MỞ VÀ TUỔI CỦA TÔI 

(Phạm Thị Bích) 


            “ Đại học Mở á ? Ủa chứ nay trường nào nó lại đóng !”- Dì tôi tỏ ra ngạc nhiên chép miệng hỏi khi nghe tin tôi đậu vào trường đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cười nhẹ một cái đầy bất đắc dĩ trước câu nói tôi nghĩ là giễu cợt, trong lòng vừa giận vừa xấu hổ. Ngày nhập học đi qua, tôi quay lại trường tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ở đây tôi được những con người xa lạ, có hiểu biết, họ cầm mic đầy chuyên nghiệp chỉ cho chúng tôi cách học tập trong môi trường mới, làm sao phòng chống cháy nổ đối với những bạn sinh viên xa nhà lên Sài Gòn ở trọ, còn tư vấn cả về chuyện giới tính và tình dục, điều mà những đứa trẻ mười tám, mười chín như chúng tôi rất cần được học nhưng những người lớn thường rất ngại dạy. Bất ngờ chứ vì trường đã vô cùng tâm lý và tôi thấy hài lòng vì sự quan tâm của nhà trường đối với tân sinh viên nhưng điều khiến tôi nhớ nhất là khi một người thầy lâu năm ở đây đứng lên chia sẻ với chúng tôi về lịch sử của trường. Tôi vẫn nhớ như in trường thành lập năm 1990, lúc này nhằm mục đích thành lập Viện đào tạo mở rộng, Bộ Giáo Dục đã đặt trên cả nước hai cơ sở một ở Hà Nội , một ở thành phố Hồ Chí Minh, đây là tiền thân của trường. Về sau, trường đổi tên thành Trường Đại học Mở bán công TP. Hồ Chí Minh, với chức năng là đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ, đào tạo tại các điểm vệ tinh,... nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội. Qua nhiều biến cố, trường buộc phải chọn hoặc là trở thành trường dân lập như con đường mà Đại học dân lập Văn Lang đã chọn hoặc trở thành trường công lập tự quyết tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. Và tất cả những người có mặt trong hội trường đều biết trường chúng tôi đã chọn gì. Thầy nói rằng tự chủ tài chính là với số tiền học phí, nhà trường phải tự quản lí chi tiêu, tự đổi mới mà không có sự giúp đỡ, tài trợ. “Ngay cái “cơ ngơi”, bàn ghế cùng cơ sở vật chất ngày hôm nay mà các em nhìn thấy là tự thân trường tạo nên sau bao nhiêu năm.” Cả hội trường có phần phấn khích với cách dùng từ cùng gương mặt đầy hãnh diện của người thầy già kính mến. Còn tôi, một niềm tự hào rực lên vì sức sống của ngôi trường và sứ mạng đem con chữ đến tất cả mọi người của trường. Từ dạo ấy, mỗi lần nghe ai thắc mắc về cái tên có vẻ không quá trang trọng – Đại học Mở, tôi đều giải thích rõ ràng trước cặp mắt bất ngờ có phần ngạc nhiên của họ. Đôi lúc, tôi còn giới thiệu cả bài hát được sáng tác tặng riêng cho sinh viên trường chúng tôi, rồi ngân nga vài câu trong đó: 


Bao ngày dài ngồi đây dưới mái trường 

Ta học tập hăng say vì ước mơ. 

Non sông cần ta: TA CÓ ! 

Non sông cần ta: SẴN SÀNG ! 

........ 

Nhanh lên bạn ơi, có sá gì khó khăn 

Nhanh lên bạn ơi, quyết chí lòng vững bền 

Gian nan ngại chi mang sức trẻ vì quê hương 

Xứng với tên trường, 

“Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh” ! 


        Thời gian sống ở thành phố trôi qua chầm chậm, tôi cảm thấy nhỏ bé và lạc lõng giữa mảnh đất xa hoa, phồn thị này. Nhớ nhà, cô đơn và mối lo tiền bạc có lẽ là mùi vị của năm nhất, tôi cố động viên mình đây là một phần để lớn lên và học cách trưởng thành. Sáng nọ ghé qua Nguyễn Kiệm để học tin đại cương, tôi bắt gặp nụ cười thân thiện và thật đẹp của bác bảo vệ, bất chợt tôi nhìn thấy dáng người chăm chỉ của cô lao công đang quét dọn. Sao mà thân thuộc quá! Nó rất giống mẹ tôi mỗi sáng, thoáng nhớ mẹ, tôi vội bước vào lớp học, lòng thầm nghĩ không bao giờ vứt rác bừa bãi để cô phải cực. Lớp học tin là một thầy giáo đã qua tuổi ngũ tuần, có lần khi chỉ bài cho chúng tôi bằng cách kết nối máy chủ của thầy với máy tính trước mặt mỗi bạn, tôi tình cờ thấy máy của thầy để rất nhiều tài liệu tham khảo nhằm làm luận án Tiến sĩ. Sau buổi đó mỗi lần gặp thầy tôi đều thầm mong thầy hoàn thành được mong muốn cũng thầm nhắc nhở bản thân, một người trẻ như tôi cần học hỏi thầy phải cố gắng học thật tốt. Các giảng viên khác cũng cho tôi nhiều bài học bổ ích không chỉ về chuyên môn mà còn về sức khỏe và cuộc sống nữa. Cảm ơn cô giáo dạy anh văn đã luôn nhắc nhở chúng tôi hãy nhắm mắt lại, cho đôi mắt được nghỉ ngơi một chút thay vì trong giờ giải lao lại ôm khư điện thoại như thế. Tôi còn nhớ và quý cô giáo dạy pháp luật đại cương nữa, cô đã cố gắng đến lớp trong một buổi chiều, mặc dù sáng đó cô bảo rằng cô đột nhiên bị đau dạ dày rất nặng. Chỉ vì không kịp thông báo nghỉ và không nỡ để tất cả chúng tôi đến lớp đợi cô sau đó phải quay xe về làm lãng phí tiền xăng và phí gửi xe nên cô đã gắng đến dạy. Suốt hôm đó chúng tôi học năng nổ hơn thường ngày rất nhiều, cô đã vui vì điều đó, còn chúng tôi vui vì cô đã vui! Trên đường đi bộ về nhà tôi cố nhìn sâu vào khuôn 

viên của những trường cấp một, cấp hai bên đường để được tìm câu khẩu hiệu “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.” 


Mỗi lần gọi về nhà tôi đều khoe với bố rằng giáo viên trường tôi dạy rất hay, hay hơn và thích hơn cấp 3 rất nhiều. Tôi nghe lại tiếng cười của bố trong điện thoại chắc bố vừa mới nghỉ tay sau ngày làm đồng hôm nay, lòng thầm cảm ơn cơ hội bố mẹ đã trao để tôi có thể cất cánh bay xa khỏi tổ ấm và được trải nghiệm những điều mà ở nhà chắc chẳng không bao giờ tôi được học, được biết! Tôi đã buồn nhiều lắm vì tốn kém mà bố mẹ phải còng lưng làm lụm để tôi được học ở ngôi trường này, để tôi có thể sống ở thành phố này. Giọng tôi hí hửng trong máy điện thoại: “ Bố , trường con giàu lắm, hì! Có rất nhiều học bổng cho học sinh, con phải có một cái mới được!” Mẹ tôi nghe thế rất vui đem đi khoe ngay với chị tôi theo lời chị kể mặc cho tôi vẫn chưa làm được, còn bố chỉ im lặng thôi! Tôi biết được cái im lặng của bố, tôi từng đọc được một sự thật mà các cô con gái truyền miệng đi chính là ‘khi bạn làm được một điều gì thì người cuối cùng cảm thấy hài lòng chính xác luôn là những ông bố!” Và chính tôi đã thử tính đúng đúng đắn của cái “chân lý” kia. Năm lớp 12, tôi được cô giáo khuyên nên thi học sinh giỏi sử cấp Tỉnh, vì cô biết tôi có khả năng và nắm được kiến thức tốt. Sợ cả nhà không cho vì đây đã là năm cuối cấp tôi còn kì thi THPTQG phía trước, nhưng tôi không muốn từ bỏ cơ hội này, thế rồi tôi vẫn đến lớp học bồi dưỡng đầy đủ, sau khi vượt qua vòng loại của trường tôi mới báo cho cả nhà biết. Tôi gặp phải ánh mắt của bố và một câu nói khiến tôi đau lòng “ Sử mà thi học sinh giỏi gì, chắc cả trường chỉ có mình mày đi, con người ta thi toán, thi anh! Ai đi thi sử?” Dù đó là câu nói lúc bố say nhưng chẳng phải lúc say con người ta mới nói thật nhất sao? Sự thật là trường đã loại rất nhiều bạn và chỉ có mỗi tôi đậu để đưa đi thi tỉnh môn này trong sự cố gắng ôn tập của cô giáo. Một sự thật khác là kì thi Tỉnh chỉ có tôi và cô bạn cùng lớp thi Sinh đạt giải, cho đến khi lãnh phần thưởng và giấy khen về tôi vẫn chẳng biết bố có tự hào về tôi không ? 


Lên đến đại học tôi đánh liều tham gia cuộc thi “Sáng mãi tên người” do trường tổ chức, cuộc thi học thuật về các môn lý luận chính trị. Vì tự tin với kiến thức lịch sử của mình và tin vào một câu nói “Mỗi một điều từng xảy ra trong cuộc sống của bạn đều góp phần chuẩn bị cho bạn đón nhận một khoảnh khắc mới chưa đến.” Dù chưa học môn Triết học Mac- Lenin, Lịch sử đảng, Kinh tế vi mô... nhưng biết đâu việc thi học sinh giỏi năm 12 là một điều góp phần cho cuộc thi này, nghĩ vậy tôi tham gia. May mắn sao tôi vượt qua hết các vòng thi rồi vào đến đêm chung kết. Ngày hôm đó, trường tôi quyết định phát trực tiếp diễn biến cuộc thi trên kênh Áo xanh OU, chị tôi, hay đứa bạn thân đều háo hức vào xem. Vòng 1 là diễn kịch, chúng tôi có mặc từ sớm để tập 

họp và thay phục trang. Nhóm tên là Tiên phong, biểu diễn tiết mục “ Bác Hồ, Bác Tôn – Cuộc song hành lịch sử vì dân tộc” tiết mục trôi chảy bị gián đoạn vì sự cố kĩ thuật, video cùng nhạc trên màn hình chiếu đã gửi cho ban tổ chức gặp trục trặc. Cô giáo huống luyện của đội chúng tôi khẩn trương đem video trong laptop của cô đến gặp ban tổ chức trong sự im lặng đáng sợ của cả hội trường. Lòng tôi thì nóng như lửa, buổi phát sóng trực tiếp trên trang Áo xanh OU lướt qua đầu trước khi tôi quay lại màn trình diễn. “Phần thi của 4 đội kết thúc, dành lời khen cho đội Tiên Phong vì đã vượt qua sự cố kĩ thuật và hoàn thành vòng thi xuất sắc!” MC dẫn dắt trong tiếng vỗ tay của khán giả. Đến vòng thi Di sản Hồ Chí Minh, 4 đội chơi trả lời các câu hỏi, lật các mảng ghép để đoán hình ảnh được dấu phía sau. “Em nghĩ ra rồi, là đồng chí Lê Duẩn đọc điếu văn, đọc di chúc Hồ Chí Minh sau ngày Bác mất.” Anh Vũ đội tôi thầm thì vào tai lần lượt từng thành viên trong đội. Chị Trúc nhanh tay bấm chuông và đọc lại đáp án của hình ảnh bị dấu. MC yêu cầu chúng tôi nói rõ hơn, chúng tôi ấp úng vì không biết chính xác thời gian. “Đây là một câu trả gần-chính-xác!” MC vừa dứt lời các đội chơi khác đã giành quyền trả lời, và cuối cùng đội Kéo Pháo trả lời đúng cột mốc năm và được điểm. Vòng cuối cùng, mỗi đội chọn một gói câu hỏi và lần lượt trả lời. Đúng như tên gọi chúng tôi ngoại mục cướp hết quyền trả lời sau khi đội bạn đáp sai, đội Tiên Phong liên tục ghi điểm. “Ai là người Việt Nam đầu tiên viết sách Sử bằng tiếng Pháp?”- câu hỏi chúng tôi đặt ngôi sao hy vọng hiện lên màn hình, thật không may cả đội tôi không ai biết câu này, trong đầu tôi chợt hiện ra một cái tên sau đó anh đội trưởng trả lời : 


- Phan Văn Trường 

- Phan Văn Trường là cái tên... Không chính xác! 


        Đội chúng tôi bị trừ điểm và kết thúc vòng thi cuối cùng. Đang đợi ban tổ chức tổng kết điểm, chị tôi gọi. Chị nói rằng chắc hên thì đứng ba, xui thì về bốn. “Mà bố cũng xem đó, bố nói đội Tiên Phong giỏi đấy chứ, tiếc nhỉ!” Tôi quay lại sân khấu nhận giải ba cùng đội và suất học bổng cho mỗi bạn sinh viên tham gia cuộc thi là một bộ sách cùng khóa học tiếng anh trị giá 4.000.000 đồng. Chắc mẹ đang theo dõi rồi lại đem chuyện này đi khoe với mọi người cho xem. Còn bố tôi thì đã khen tôi sao, cảm ơn cơ hội này, cảm ơn ngôi trường... các anh chị trong đội kéo tôi lại chụp hình chung làm đứt dòng suy nghĩ chợt tới trong đầu tôi, tôi cười thật tươi nhớ lại quãng thời gian gắn bó cùng tất cả mọi người. Tôi nhớ đến buổi ôn kiến thức cuối cùng trước đêm chung kết, khi cô giáo trình bày: “ Các em sau khi tham gia cuộc thi sẽ trở thành những thanh viên chủ chốt để câu lạc bộ Lý Luận Trẻ của trường Đại học Mở ra đời. Em nào đồng ý giơ tay lên!” Hôm đó, tôi đã rất mạnh dạn và giơ cao cánh tay của mình. Giờ nghĩ lại, sao tôi mong đến ngày thành lập câu lạc bộ quá! Tôi muốn gặp lại các anh chị ở đây, muốn 

dùng sức mình giúp câu lạc bộ Lý Luận Trẻ cũng như trường tôi phát triển thật lớn mạnh. Và có lẽ tôi lỡ yêu Đại học Mở mất rồi vì chẳng phải khi yêu người ta mới mong muốn đối phương được tốt lên, và dành những thứ tốt nhất cho người ấy hay sao? 

Người ta thì kỉ niệm một năm quen nhau, kỉ niệm 100 yêu nhau còn riêng với Mở tôi sẽ có 4 năm bên nhau. Rồi người ta tính tuổi bằng sinh nhật, bằng lời chúc năm mới còn tôi sẽ tính tuổi bằng cách tôi lớn lên dưới mái trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh này. 

(Hết) 

- Khoa Kinh tế và quản lí công 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến