BỐN ĐỨC TÍNH BÁC MUỐN DẠY ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN
Giữa các yếu tố tài năng, văn hoá, nhân cách, đạo đức… Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định yếu tố đạo đức là gốc của người cách mạng. Giáo sư, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu (1911-2010), từng nhận định: “Trong hàng ngũ lãnh tụ cách mạng trên thế giới trong thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người nhấn mạnh nhiều nhất đến đạo đức”. Một lần khác, khi nói chuyện với học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
Có tài mà không có đức là người vô dụng.
Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn luôn quan tâm tới vấn đề đạo đức và việc tu dưỡng đạo đức của người cách mạng. Ngay lời nói đầu của cuốn sách Đường Cách mệnh đã nêu: “Tư cách của người cách mệnh”, phải có 14 điều, nhưng điều trước tiên phải có đạo đức “Tự mình phải cần, kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo ”. Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Đảng và đạo đức cũng đã được Người đặc biệt nhấn mạnh:
“Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Như vậy cầnm kiệm, liêm chính là điền kiện cần của một người cách mạng.
Bác chỉ rõ: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Cần thì việc gì dù khó khăn mấy cũng làm được” :
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Bác còn nêu: “Phải có kế hoạch cho mọi công việc, phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng, điều nên làm trước, điều nên làm sau…”. Đây là lời khuyên từ vị Chủ tịch vĩ đại, cũng là Người cha già kính yêu của dân tộc. Là một người sinh viên được kế thừa truyền thống tốt đẹp từ cha ông và bao thế hệ đi trước, em cũng như các bạn sinh viên cả nước luôn lên kế hoạch học tập hợp lý, cân bằng giữa việc học và tham gia các chương trình ngoại khoá để học hỏi kinh nghiệm thực tế từ bên ngoài giảng đường, bổ sung thêm tin học, ngoại ngữ nhằm ngày càng hoàn thiện chính bản thân mình. Để làm được điều ấy, chính các bạn sinh viên phải luôn năng động, kiên trì theo đuổi mục tiêu kế hoạch của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, ở lứa tuổi mới lớn, rời xa vòng tay cha mẹ thì cũng không ít bạn trẻ bị chênh vêch, lạc lõng vì không xác định được con đường đi của mình.
Một diễn giả từng nói: Cuộc sống “vô vị” của một sinh viên là gì?
Đó là thu mình vào một căn phòng, ăn, ngủ và bấm điện thoại! Họ “đáng thương” vì không tìm được một “lối đi” của “thanh xuân” để phấn đấu.
Một trong những câu tục ngữ mà ông cha ta để lại để răn dạy con cháu sau này chính là câu nói: “Nhàn cư vi bất thiện”. Nghĩa là cuộc sống nhàn rỗi, không làm ăn, lười lao động dễ dẫn đến hành vi xấu xa, sai trái. Câu tục ngữ khuyên chúng ta luôn trong trạng thái “bận rộn” để tạo ra của cái vật chất giúp ích cho đời.
Đối với Đoàn viên Thanh niên trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, chúng mình luôn có cách để giữ bản thân bận rộn! Sau những giờ học trên trường, xuyên suốt trong một học kì, chúng mình luôn có những cuộc thi học thuật do riêng từng khoa tổ chức như Phiên Toàn giả định đến từ các bạn khoa Luật, Rung chuông vàng về kiến thức Marketing của câu lạc bộ Open Marketing (khoa Quản trị kinh doanh) hay cuộc thi tổng hợp các kiến thức kinh tế, tài chính, ngân hàng “Banker tương lai” 2021 với quy mô tổ chức rất lớn. Những cuộc thi này giúp chúng mình ôn lại kiến thức đã được học một cách sinh động cùng những phần thưởng giá trị hấp dẫn. Nếu là sinh viên của Đại học Mở các bạn không nên bỏ lỡ các hoạt động tình nguyện của trường như Xuân Tình Nguyện, Trung Thu, Mùa Hè xanh hay Hiến máu tình nguyện đây chính là nơi mà mà sức trẻ của chúng mình được thể hiện nhất. Bạn cũng có thể tìm thấy được sự yêu thương, chia sẻ ở đây. Nếu muốn cho bản thân bận rộn hơn, bạn có thể tìm cho một công việc làm thêm để lấy kinh nghiệm thực tế, tự mình kiếm được một ý thu nhập trang trải. Mình tin rằng bạn chắc chắn sẽ có được nhiều trải nghiệm đại học thú vị, luôn nặng động và chăm chỉ hơn !
“Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Bác còn nêu “Cần với kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì làm chừng nào, xào chừng ấy”. Điều này hoàn toàn đúng với giới trẻ, khi chúng ta vẫn phải sống dựa vào lao động vất vả của bố mẹ thì càng nên tiết kiệm tiền bạc, tránh tiêu sài hoang phí hoặc với các bạn có thể tự kiếm tiền thì càng nên chi tiêu hợp lý. Kiệm với các bạn sinh viên còn là thời gian, sức khoẻ, và tinh thần của mỗi cá nhân nhưng tiết kiệm như thế bào thì cần phải học và Bác chính là minh chứng sống về việc thực hành hành lối sống Cần-Kiệm mà thanh niên nên noi theo. Người nói: "Thời giờ cũng phải tiết kiệm như của cải... Tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ người khác". Bởi vì: "Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được". Nhiều bạn trẻ không biết quý trọng thời gian của mình, dành thời rất nhiều cho mạng xã hội, phim ảnh hoặc tham gia vào các nhóm hóng chuyện rồi trở thành những tay anh hùng bàn phím hàng giờ đồng hồ để tranh luận hơn thua với người khác, điều này không những gây ảnh hưởng tiêu cực mà thực sự còn là việc làm lãng phí thời gian và mang lại năng lượng xấu đến chính các bạn. Nhiều bạn thức khuya chỉ để xem phim gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần vào ngày hôm sau. Đó chính là lãng phí! Thế nhưng, nhiều bạn lại bao biện rằng sống tiết kiệm là keo kiệt, là chi li từng chút, như thế rất mệt mỏi. Hiểu như thế là hiểu sai! Bác dặn dò: "Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm". Chúng ta cần hiểu đầy đủ về chữ kiệm nêu ra là như thế. Vậy nên, tìm hiểu, học tập tấm gương tiết kiệm của Người là học tinh thần cơ bản chứ không phải học một cách máy móc. Là Đoàn viên thanh niên, chúng ta cần rèn luyện chữ “Kiệm” của Bác trong từng hoạt động cụ thể. Không những thực hiện chữ kiệm cho mỗi cá nhân, Đoàn trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh còn hướng tinh thần tiết kiệm đến các vấn đề chung của cộng đồng. Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự là một trong những trường đại học đầu tiên ngưng sử dụng toàn bộ nước đóng chai nhựa, ống hút và các vật dụng bằng nhựa trong phạm vi toàn trường. Nhà trường khuyến khích các cá nhân mang theo bình nước uống cá nhân hoặc sử dụng nước trà do trường phục vụ. Để thực hiện điều này, thời gian sau Nhà trường đã giành tặng cho giảng viên và một bộ phận sinh viên trường những bình nước bảo vệ mội trường và đảm bảo hệ thống lấy nước tại tất cả các cơ sở để khuyến khích sinh viên mang theo bình nước tránh sử dụng nước đóng chai sử dụng một lần. Hoạt động này được sinh viên trường hưởng ứng nhiệt tình, mang lại kết quả thật sự và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong đại bộ phận sinh viên trường. Tiết kiệm điện và tài nguyên cũng là nội dung được nhà trường hướng đến nhờ những hành động thiết thực như tắt hết các thiết bị điện sau mỗi tiết học, tuần lễ chủ nhật xanh… Đoàn trường đã góp phần định hướng cho mỗi sinh viên về tác động của mình cũng như tính cần thiết của chữ “kiệm” trong xã hội ngày nay.
Với Liêm, Bác phân tích rất sâu sắc và cụ thể: “Liêm là trong sạch, không tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm.” Người cách mạng, người trẻ liêm thể hiện được tính chuyên nghiệp, cách nhìn nhận vấn đề của mình. Từ rất sớm và trong nhiều tác phẩm Bác Hồ đã đề cập chữ “liêm”. Người nhìn nhận chữ “liêm” trên mọi khía cạnh, phản ánh đầy đủ, sâu sắc nhất bản chất của phạm trù đó trong tư tưởng của mình. Người coi đức liêm là thước đo đạo đức và cũng là thước đo bản lĩnh con người, nhất là khi được giao chức vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý. Có liêm, sẽ không làm điều gì mờ ám, khuất tất, giấu diếm; “tâm sẽ sáng, trí sẽ thông”; biết phân biệt đúng sai, xấu tốt, biết tự răn mình tránh điều xấu xa; tạo ra uy tín và sự kính trọng đối với mọi người; tạo sức mạnh góp phần làm cho đất nước “giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, văn minh, tiến bộ”. Nếu không giữ được liêm thì dù có “muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”.
Trong nền Cơ chế thị trường nơi nền kinh tế đất nước phát triển vượt bậc, thị trường lao động cạnh tranh gay gắt và thì thực hành đức “liêm” càng cần thiết và cũng đầy khó khăn vì con người hàng ngày, hàng giờ luôn nghĩ về lợi ích cá nhân, nhất là lợi ích vật chất. Mỗi khi chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, sẽ gây ra một trong những thách thức lớn nhất đó là trình trạng bất liêm. Để nuôi dưỡng đạo đức trong mỗi Đoàn viên thanh viên đòi hỏi sự quan tâm nhất định của nhà trường, gia đình hay giảng viên, những người trực tiếp giảng dạy và định hướng tư duy, nhận thức của sinh viên sau này. Chính vì vậy, Đoàn trường Đại học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh hay các trường Đại học trên cả nước luôn thực hiện huấn luyện và yêu cầu hoàn thành 6 bài lý luận chính trị đối với toàn thể sinh viên trường. Bên cạnh đó, đoàn trường còn tổ chức các cuộc thi lý luận chính trị, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để quan tâm, và góp phần hoàn thiện tư duy của sinh viên. Các cuộc thi, hoạt đông được tổ chứ thường niên cấp trường, cấp thành phố đa dạng về hình thức nhưng mục tiêu chính vẫn là giáo dục tư tưởng, trách nhiệm của mỗi Đoàn viên đối với đất nước trong thời buổi đổi mới.
Còn Chính, Bác lại chỉ rõ: “Chính, nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc Chính và việc Tà.
Làm việc CHÍNH, là người THIỆN
Làm việc TÀ, là người ÁC
Siêng năng (cần), tằn tiện (kiệm), trong sạch (liêm), CHÍNH là thiện
Lười biếng, xa xỉ, tham lam, là tà là ác.
“Bất kỳ ở tầng lớp nào, giữ địa vị nào, làm nghề nghiệp gì, sự hoạt động của một người trong xã hội có thể chia làm 3 mặt:
1. Mình đối với mình.
2. Mình đối với người.
3. Mình đối với công việc.
ĐỐI VỚI MÌNH
- Chớ tự kiêu, tự đại. Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu, tự đại tức là thoái bộ. Sông to, biển rộng, thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng đầy tràn, vì độ lượng của nó hẹp nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn, cũng như cái chén, cái đĩa cạn.
- Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu.
Tiến bộ không giới hạn. Mình cố gắng tiến bộ, thì chắc tiến bộ mãi.
- Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình.
Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình. Cụ Tăng Tử là một vị đại hiền, là một tín đồ giỏi nhất của cụ Khổng Tử. Cụ Tăng đã làm kiểu mẫu cho chúng ta. Cụ nói: Mỗi ngày tôi tự kiểm điểm mấy lần: đối với người có thẳng thắn không? Đối với việc có chuyên cần không?
Cụ Khổng Tử nói: Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ.
Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
ĐỐI VỚI NGƯỜI
Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người.
Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ.
Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới.
Phải thực hành chữ Bác - Ái.
ĐỐI VỚI VIỆC
Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công. Việc THIỆN thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ÁC thì dù nhỏ mấy cũng tránh.
Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm.
Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to.” - Theo “Cần, kiệm, liêm, chính”, tháng 6-1949. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr. 631-645.
Đây là lời dặn dò của Bác đối với mỗi người cán bộ cách mạng. Việc rèn luyện đạo đức, xây dựng nhân cách luôn có ý nghĩa, giá trị to lớn, thực hành lối sống thiện-chính còn giúp con người nhẹ nhàng, không bị vật chất, địa vị điều khiển, tạo được lòng tin từ người khác. Quan niệm về nội dung của Chính cũng như Cần, Kiệm, Liêm của Bác Hồ rõ ràng, giản dị mà sâu sắc, có giá trị lớn trong việc vận dụng vào học tập, rèn luyện một cách sáng tạo, cụ thể của từng người, từng cơ quan, đoàn thể trong từng hoàn cảnh khác nhau.
Những nội dung trên đã thành phẩm chất cơ bản trong tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Bác luôn xem 4 đức tính trên là “chính sách lớn, đạo đức lớn”. Từng cá nhân, tập thể phải hiểu đúng và có sáng tạo 4 đức tính ấy một cách linh hoạt, đa dạng. Cả cuộc đời của Bác Hồ là tấm gương sáng cho những đức tính cao đẹp nói trên. Mỗi việc làm, mỗi suy nghĩ và hiệu quả công việc cách mạng của Bác là một bài học cụ thể, sinh động của 4 đức tính cần, kiệm, liêm, chính mà không giấy mực nào ghi lại hết được. Người đã đúc kết những vấn đề trên trong tương quan với các quy luật của tự nhiên và xã hội bằng 6 câu thơ xúc tích:
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người.
Bác đã đề cập đến bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính hàng ngàn lần, trong các bài nói và bài viết của Người. Điều đó, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của Bác về giáo dục cần, kiệm, liêm, chính. Trong bài giảng đầu tiên :“Tư cách người cách mạng” khi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam Thanh niên cách mạng (6-1925) Bác đã đề cập ngay đến cần, kiệm, liêm, chính cho đến bản “Di chúc” để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trước lúc đi xa, Bác đã nhắc nhiều lần cụm từ cần, kiệm, liêm, chính. Vì sao Bác lại nhấn mạnh và nhắc dạy chúng ta nhiều lần như vậy? Bởi vì, đây là cốt lõi của đạo đức nói chung, của đạo đức cách mạng nói riêng. Vì thế, cần, kiệm, liêm, chính đã được ghi lại, đã được truyền khẩu thành quy phạm đạo đức tốt đẹp của mỗi con người, mỗi tập thể và mỗi cộng đồng người. Bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính là thước đo phẩm chất đạo đức của con người. Những đức đó đã tồn tại xuyên qua thời gian, sống cùng lịch sử nhân loại nhiều ngàn năm qua. Đó chính là chuẩn mực đạo đức người cách mạng cần có mà Đoàn trường , các tổ chức giáo dục cần rèn luện cho sinh viên của mình để đáp ứng với nhu cầu thực tiễn hiện nay, để đào tạo giáo dục nên những Đoàn viên thanh niên ưu tú cho đất nước.
(Hết)
Nhận xét
Đăng nhận xét